MẸO VIẾT SƠ YẾU LÝ LỊCH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG MỚI ĐẾN CANADA

Nếu bạn là một người mới nhập cư vào Canada, bạn sẽ sớm nhận ra các chuẩn mực văn hóa và tác phong làm việc nơi đây có chút khác biệt so với ở nước bạn. Những sự khác biệt này cũng được thể hiện trong phong cách viết sơ yếu lý lịch khi đi xin việc (CV). Để tăng cơ hội xin được những công việc tốt, bạn sẽ cần thay đổi một chút về bố cục CV của mình để phù hợp với kỳ vọng của các nhà tuyển dụng người Canada. Tùy vào vùng bạn sinh sống ở Canada mà CV của bạn sẽ được yêu cầu trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Thông thường, ngôn ngữ mà bạn dùng để viết CV sẽ trùng với ngôn ngữ của phần mô tả công việc của nhà tuyển dụng.

Blogger doing webcast on canadian immigration to Canada

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng sẽ giúp CV của bạn tạo được sự chú ý nhất định trong thị trường việc làm tại Canada.

1. Không cách dòng quá nhiều cho dòng chữ “Sơ yếu lý lịch”

Một lỗi sơ đẳng mà nhiều người mắc phải đó là viết một tiêu đề cỡ to ngay đầu của CV, ghi là “SƠ YẾU LÝ LỊCH.” Điều này thật sự không cần thiết và còn làm tốn nhiều giấy mà đáng ra cần dành cho những thông tin hữu ích hơn. Tên của bạn là thứ duy nhất cần đặt lên đầu tiên trong CV của bạn. Không cần thiết phải nói là Sơ yếu lý lịch của Nguyễn Văn A, hoặc gì đó tương tự. Chỉ cần gõ tên của bạn với phông chứ lớn hơn một chút so với phông chữ của toàn bộ thông tin khác, vậy là được. Nhà tuyển dụng biết thứ họ đang đọc là sơ yếu lý lịch của một người muốn xin việc, vậy nên bạn không cần phải nhấn mạnh vào những thứ quá hiển nhiên, hãy tiết kiệm giấy cho những thông tin thật sự hữu ích với nhà tuyển dụng, tránh tối đa việc viết CV quá dài.

2. Không đính kèm ảnh

Có thể việc đính kèm ảnh vào CV là phổ biến trong văn hóa của một số quốc gia, tuy nhiên ở khu vực Bắc Mỹ, điều này thường được coi là thiếu chuyên nghiệp. Trừ khi công việc bạn muốn xin liên quan đến trình diễn hoặc diễn xuất, nếu không thì tốt nhất là không nên để ảnh của mình trên CV. Một bức ảnh có thể khiến nhà tuyển dụng loại bạn chỉ vì họ không có thiện cảm với diện mạo của bạn hoặc ảnh bạn chụp không được tốt. Điều này có nghĩa họ đã đưa ra đánh giá vội vàng trước cả khi họ gặp bạn. Hãy nhớ rằng bạn trông thế nào hoàn toàn không liên quan gì tới việc bạn có phải là người thích hợp cho công việc hay không, vậy nên đừng đính kèm ảnh.

3. Không chia sẻ các thông tin cá nhân

Ở Canada, phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tầng lớp xã hội hoặc các yếu tố cá nhân khác được coi là bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là trong CV của mình, bạn nên tránh cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào mà người khác có thể dùng để gây bất lợi cho bạn. Đồng thời cũng cần lưu ý rằng, không một công ty nào có quyền yêu cầu các ứng viên phải cung cấp thông tin cá nhân nếu muốn được phỏng vấn. Chỉ khi bạn được tuyển và ký hợp đồng lao động, nhà tuyển dụng mới có thể hỏi một số thông tin cá nhân của bạn.

Một số thông tin cá nhân bạn không nên viết vào CV bao gồm:

  • Tuổi hoặc ngày sinh
  • Tình trạng hôn nhân
  • Tôn giáo hoặc đảng phái chính trị
  • Quốc gia khai sinh hoặc tình trạng nhập cư
  • Có con hay chưa
  • Các thông tin cá nhân khác (vd: số giấy phép lái xe, số bảo hiểm xã hội…)

4. Các thông tin cần có

Mặc dù CV của từng ngành nghề sẽ khác nhau, tuy nhiên có một số thông tin cơ bản mà bất cứ ai cũng cần nêu trong CV của mình, bao gồm:

  • Tên đầy đủ
  • Thông tin liên hệ (số điện thoại hoặc email)
  • Kinh nghiệm làm việc và mô tả ngắn gọn về các thành tích trong công việc
  • Trình độ học vấn cao nhất

5. Có nên liệt kê các kỹ năng không?

Tùy trường hợp, nếu công việc của bạn thiên về kỹ thuật và bạn sử dụng rất nhiều phần mềm hoặc các công cụ đặc biệt, việc liệt kê ra các kỹ năng chuyên môn có thể là một ý hay. Thêm nữa, nếu bạn không phải người có nhiều kinh nghiệm, việc liệt kê các kỹ năng chuyên môn sẽ giúp CV của bạn có thêm chiều sâu. Tuy nhiên, không cần thiết phải liệt kê các kỹ năng mềm (vd: kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo…) vì các nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá ứng viên theo các tiêu chí này.

6. Nên viết theo trình tự thời gian từ mới đến cũ

Đây là bố cục chuẩn của CV ở khu vực Bắc Mỹ. Bạn sẽ liệt kê kinh nghiệm mới nhất đầu tiên và kinh nghiệm cũ nhất sau cùng, đồng thời cần lưu ý nêu rõ các mốc thời gian của từng công việc trước đây cũng như của từng cấp độ học vấn.

7. Làm thủ tục đánh giá bằng cấp theo chuẩn Canada

Nếu bạn bằng cấp bạn có được là từ những chương trình đào tạo ngoài lãnh thổ Canada, hãy làm đánh giá bằng cấp để so sánh trình độ học vấn của bạn với tiêu chuẩn của Canada. Đưa thông tin này vào trong CV của bạn sẽ giúp các nhà quản lý tuyển dụng Canada nắm được kiến thức và mức độ kinh nghiệm mà bạn có thể mang đến cho vị trí họ đang tuyển dụng. Tại Canada, chương trình đánh giá bằng cấp được gọi là ECA (Đánh giá tín nhiệm giáo dục), đây là chương trình chính thức của chính phủ. Không có chương trình đánh giá về kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên người lao động nước ngoài có thể tham khảo trong danh sách Phân loại nghề nghiệp quốc gia (NOC) của Canada để biết kinh nghiệm của mình có được chấp nhận tại đây hay không.

8. Nên liệt kê các thành tích, chứ không phải các nhiệm vụ công việc

Ở một số quốc gia, CV chỉ đơn thuần là một danh sách các công việc một người đã từng làm, rất ít chi tiết để người tuyển dụng có thể đánh giá. Tại Bắc Mỹ, bạn cần nêu bật được các sở trường và thành tích của mình như là đang tiếp thị bản thân thông qua sơ yếu lý lịch vậy. Do đó việc liệt kê ra các công việc bạn làm hàng ngày là chưa đủ. Nhà tuyển dụng muốn thấy được sức ảnh hưởng của bạn trong từng vị trí công việc, hơn là những trách nhiệm mà bạn phải làm. Ví dụ như, thay vì viết là ‘lập các báo cáo tuần cho khách hàng’ hãy thử viết ‘lập báo cáo tuần chi tiết cho các khách hàng lớn, nhằm tìm ra cách thức tối ưu hóa ngân sách của họ.’ Mặc dù trách nhiệm cơ bản là như nhau, nhưng cách viết thứ hai sẽ tạo ấn tượng tốt hơn.

9. CV không nên dài quá 2 trang

Có thể tại nhiều quốc gia, việc viết CV dài được ưu chuộng, nhưng Canada không phải một trong số đó. Hầu hết nhà tuyển dụng ở Canada chỉ muốn đọc những CV dài 2 trang hoặc ít hơn. Trên thực tế, bộ phận nhân sự của nhiều công ty còn loại luôn những CV dài mà không cần đọc. Vậy nên hãy cố gắng giới hạn CV của mình trong phạm vi 2 tối đa trang giấy. Nếu bạn đang là sinh viên hoặc đã đi làm nhưng có kinh nghiệm gói gọn trong 1 trang giấy là tốt nhất. Thêm nữa là không nên thu nhỏ phông chữ để viết được nhiều thông tin hơn, CV của bạn cần phải được trình bày với phông chữ 12.

10. Soát lại sơ yếu lý lịch của bạn một cách cẩn thận

Việc soát kỹ lại thông tin của CV trước khi nộp hồ sơ là một bước vô cùng quan trọng, nhất là khi bạn đang viết CV với ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Một người có thể nói ngoại ngữ rất trôi chảy nhưng không có nghĩa là sẽ không mắc lỗi chính tả hoặc ngữ pháp khi viết, do vậy, khi bạn chưa hoàn toàn làm quen được với ngôn ngữ bạn đang viết, hãy kiểm tra thật cẩn thận mọi lỗi mình có thể mắc phải. Bạn cũng đừng chỉ dựa vào chức năng chữa lỗi chính tả trên máy tính vì những công cụ đó không phải hoàn hảo. Nếu có thể, hãy hỏi ý kiến những người thông thạo ngoại ngữ, nhờ họ soát cho bạn để chắc chắn rằng CV của bạn không có vấn đề gì. Những lỗi về gõ chữ là tối kỵ trong viết CV vì đây là lỗi cơ bản nhất, không được phép mắc phải, nếu nhà tuyển dụng nhìn thấy những lỗi quá rõ ràng, họ sẽ đánh giá là bạn thiếu chuyên nghiệp và loại CV của bạn.

11. Nếu vẫn chưa yên tâm, hãy thuê một người viết CV chuyên nghiệp

Nếu bạn đang thật sự mất phương hướng khi viết CV theo chuẩn Canada, hãy thuê một chuyên gia làm việc đó cho bạn. Không có gì phải xấu hổ khi nhờ một sự trợ giúp nhỏ để hoàn thiện CV của mình. Bạn có thể thuê một người viết CV chuyên nghiệp với mức phí khá thấp, và số tiền bạn bỏ ra sẽ hoàn toàn xứng đáng khi bản CV ấn tượng của bạn giúp bạn xin được một công việc tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy thận trọng để không bị lừa đảo, đặc biệt là khi bạn tìm kiếm các dịch vụ viết thuê CV trên mạng. Hãy xác minh kinh nghiệm của những người viết bằng cách xem các đánh giá về họ trên mạng xã hội Linkedln hoặc các nguồn tin cậy khác để đảm bảo rằng bạn tìm được một đơn vị uy tín và hoạt động hợp pháp. Nếu không muốn bỏ tiền thuê người viết CV, bạn có thể nhờ đến một số tổ chức phi lợi nhuận, sẵn sàng giúp đỡ những người mới nhập cư xây dựng các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, trong đó có kỹ năng viết CV và trả lời phỏng vấn. Hãy tìm hiểu thêm về các tổ chức này thông qua cộng đồng nhập cư của bạn.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn để thâm nhập vào thị trường lao động Canada, ngay cả khi hồ sơ của bạn đã tuân theo tất cả những nguyên tắc nói trên, đừng vội hoang mang vì còn một lựa chọn nữa cho bạn, đó là tập trung vào các công việc hợp đồng ngắn hạn. Lý do là một số nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm nhân lực có lịch sử làm việc ở Canada. Khi bạn đã xây dựng CV của mình với một vài công việc tại Canada, bạn có thể thấy rằng việc kết nối với nhà tuyển dụng và chuyển sang những công việc bạn thực sự muốn sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Theo randstad.ca